Khái niệm VOC
VOC là tên viết tắt của “Volatile Organic Compound”, là tên gọi chung của các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Hình thức tên gọi khác của VOC là TVOC. Chúng có nhiệt độ sôi rất thấp và dễ dàng thoát ra khỏi các sản phẩm chứa chúng ở dạng hơi hoặc khí. Nguồn của chất này có thể do con người tạo ra hoặc tự nhiên. Như chúng ta đã biết, một số vô hại đối với sức khỏe, trong khi một số khác lại độc hại đối với con người.
Một số hợp chất VOC phổ biến bao gồm formaldehyde, benzen, perchloroethylene,…Chúng có từ nhiều sản phẩm tiêu dùng như: thuốc lá, keo dán, sơn, dung dịch giặt khô, chất bảo quản gỗ, chất tẩy trắng, giặt tẩy, khử trùng, chất làm mát không khí, vật liệu xây dựng, máy in, máy photocopy, thuốc trừ sâu,…
VOC tác hại đến sức khỏe con người như thế nào?
VOC – Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hầu như ở khắp mọi nơi trong không khí. Một số vô hại đối với con người và một số có thể gây ra các vấn đề liên quan đến hô hấp hoặc mắt, mũi và cổ họng khi tiếp xúc quá nhiều. Nghiêm trọng hơn có thể gây tổn thương các cơ quan như hệ thần kinh trung ương, gan và thận. VOC thậm chí còn được coi là chất gây ung thư với mức độ cao khi tiếp xúc lâu dài. Trẻ em và bệnh nhân hen suyễn dễ bị tác dụng phụ của hợp chất này hơn.
VOC có trong sản phẩm sơn tác hại ra sao?
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, nhiều loại sơn có tác hại xấu đến sức khỏe và môi trường sống vẫn đang được sử dụng để sơn nhà ở, nơi làm việc, các tòa cao ốc, các căn hộ cao cấp… Đó là những loại sơn có hàm lượng VOC rất cao như sơn gốc dầu trong đó có sơn Polyurethane (PU), sơn Nitro Cellulose (NC)… Thậm chí, nhiều thương hiệu sơn có tên tuổi vẫn sản xuất những dòng sơn gốc dầu kể cả gốc nước độc hại, gây ô nhiễm môi trường.
Đây là vấn đề chúng ta nên lưu tâm khi có quyết định chọn mua sơn. Bởi lẽ, bên cạnh cái đẹp, yếu tố an toàn sức khỏe đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của con người hiện nay. Điều này có ý nghĩa hơn đối với người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ sắp làm mẹ.